Sử dụng cây thảo dược bổ sung trong thức ăn chăn nuôi có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp phòng tránh bệnh và kích thích sinh trưởng ở vật nuôi, giảm được giá thành, tạo thực phẩm sạch và an toàn cho xã hội.
Tóm tắt nội dung
Lợi ích khi sử dụng làm thức ăn chăn nuôi
Ở nước ta có nhiều loại cây thảo dược chứa các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn đã được dân gian sử dụng từ lâu đời như: hành, hẹ, tỏi, gừng, nghệ, sả… Những loại cây này có đặc tính chống lại các loài ký sinh trùng, có tác dụng phòng trị nhiều bệnh ở trâu, bò, heo, gà… Sử dụng cây thảo dược trong phòng trị bệnh và kích thích tăng trưởng cho gia súc, gia cầm thay thế kháng sinh sẽ giảm được giá thành, tạo thực phẩm sạch và an toàn. Nhiều loại cây thảo dược cũng được sử dụng như phụ gia dùng trong TĂCN như lá và tinh dầu cây hương thảo, củ và tinh dầu tỏi, lá hoa và tinh dầu cây xạ hương, quả và tinh dầu hồi, vỏ và tinh dầu quế. Các hoạt chất trong các thảo dược này hoạt động như các chất kháng khuẩn và các chất chống ôxy hóa. Các chất hoạt chất trong các cây này có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn gram (-) và gram (+), kể cả vi khuẩn đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Nó có thể thay thế nhiều loại kháng sinh như tylosin, chlotetracycline, sulfametazine, penicillin… được bổ sung vào thức ăn. Thêm vào đó, các hoạt chất còn có đặc điểm là không ức chế những vi khuẩn có ích trong đường ruột và còn có tác dụng kích thích tính thèm ăn, tăng sự tiết dịch tiêu hóa, cải thiện tỷ lệ tiêu hóa hấp thụ thức ăn.
Các loại hợp chất saponin có tác dụng kiểm soát ammonia và mùi hôi của chất thải, chống lại các bệnh gây ra bởi protozoa, nâng cao khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn, nâng cao đáp ứng miễn dịch, cải thiện năng suất sinh sản, hạn chế tỷ lệ đẻ non ở heo. Một ví dụ khác, chất curcumin có trong nghệ thông qua hợp chất phenolic của nó có khả năng chống bệnh cầu trùng ở gia cầm dựa trên tác động chống ôxy hóa của nó trong hệ thống miễn dịch. Ở nhiều loại thảo mộc và gia vị khác có chứa thành phần flavonoid như baicalin, baicalein, limonene, cinnamaldehyde, thymol, carvacrol hoặc eugenol. Đây là một trong số những chất khác có tác dụng kháng khuẩn. Chúng hoạt động như các tác nhân kháng khuẩn bằng cách thay đổi các đặc tính của màng tế bào, làm giảm độc lực của vi khuẩn.
Sử dụng như thế nào?
Trước những biến động bởi dịch bệnh, phương thức giết mổ chưa đảm bảo an toàn vệ sinh, sử dụng quá mức các loại thuốc kháng sinh dẫn đến dư thừa… dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất và nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Điều này đòi hỏi người chăn nuôi phải tìm kiếm các giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng. Trong đó, chăn nuôi sử dụng thảo dược trong thức ăn được cho là một trong những hướng đi mới có thể bắt kịp xu thế hiện nay. Theo hướng đi này, có 3 tiêu chí cần thực hiện là không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng kháng sinh và chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi. Thay vào đó, người chăn nuôi áp dụng cách thức chế biến thức ăn hỗn hợp giữa các nguyên liệu bản địa như từ cám gạo, ngô, bột cá… trộn theo tỷ lệ khẩu phần đúng nhu cầu dinh dưỡng cùng với các loại sản phẩm từ các các cây thảo dược như sả, nghệ, tỏi, lược vàng… được xay thành bột hoặc cắt nhỏ tạo thành một hỗn hợp làm thức ăn cho vật nuôi. Cách làm này giúp giảm thiểu chi phí thức ăn, tận dụng được các nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu, kích thích tiêu hóa và giúp vật nuôi sinh trưởng tốt, chất lượng thịt thơm ngon, an toàn đối với người tiêu dùng.
Ngoài phối trộn thảo dược với thức ăn, việc chế biến các thảo dược thành nước uống như nước gừng, nước tỏi, nước cam thảo ngâm cũng giúp phòng, ngừa một số bệnh cảm, cúm cho vật nuôi trong điều kiện thời tiết lạnh, có độ ẩm cao.
Tồn tại
Trong khi nước ta có một nguồn thảo dược vô cùng dồi dào và đa dạng thì việc nghiên cứu và sản xuất phụ gia TĂCN từ nguồn thảo dược, khai thác tiềm năng sử dụng này lại chưa được chú ý đến. Do đó cây thảo dược cần được nghiên cứu và khai thác ứng dụng trong chăn nuôi nhiều hơn nữa. Hiện tại, một phần lớn các sản phẩm sử dụng làm phụ gia có nguồn gốc thảo dược được dùng trong TĂCN của nước ta là phải nhập từ nước ngoài. Cũng đã có một số phụ gia TACN do kết quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học trong nước đang được đưa vào sản xuất như các chế phẩm enzyme, probiotic, prebiotic, kháng thể… tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của những phụ gia này so với của nước ngoài còn thấp. Sử dụng thảo dược không những đang được coi là lời giải cho bài toán phát triển bền vững ngành chăn nuôi trong thời gian tới mà còn khai thác được thế mạnh của Việt Nam.
Kết luận
Sử dụng thảo dược trong TĂCN có tiềm năng lớn để phát triển trong thời gian tới. Một mặt, điều này mở ra cơ hội tiếp cận mới đối với thị trường tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, khả năng tiếp cận tốt hơn với nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, nâng cao giá trị sản phẩm, giá xuất bán cao hơn, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Mặt khác, cách sử dụng thảo dược phối trộn trong TĂCN cũng góp phần giảm thiểu chi phí sử dụng thuốc thú y, phòng tránh một số bệnh phổ biến ở gia súc, gia cầm, giảm tỷ lệ chết, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển bền vững hơn.