Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi một cách thận trọng và có trách nhiệm

Kháng sinh là những chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật hoặc có nguồn gốc tổng hợp, có tác dụng kìm hãm sự sinh trưởng và phát triển hoặc tiêu diệt vi sinh vật khác. Kháng sinh được sử dụng để chống lại các mầm bệnh do vi khuẩn gây ra. Ở liều điều trị, kháng sinh nào có tác dung kìm hãm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn người ta gọi là “các thuốc kìm khuẩn”, còn kháng sinh nào ở liều điều trị có tác dụng giết chết tế bào vi khuẩn ta gọi đó là “các thuốc diệt khuẩn”.

Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe vật nuôi và năng suất; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sức khỏe động vật, nhờ đó bảo vệ sinh kế và sự bền vững của hoạt động chăn nuôi. Nếu dùng kháng sinh để ngăn ngừa, chữa trị cho vật nuôi không hợp lý, thiếu trách nhiệm không chỉ tác động đến hệ quả điều trị mà còn làm vi khuẩn nhờn thuốc, nghiêm trọng hơn chính là tồn dư kháng sinh còn trong thực phẩm chăn nuôi có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn thực phẩm, đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nhằm giảm thiểu thực trạng kháng thuốc của vi khuẩn, tăng hiệu quả sử dụng thuốc, cần lưu ý một số nội dung sau:

Cách sử dụng kháng sinh có hiệu quả

– Sử dụng kháng sinh sớm ngay khi xuất hiện dấu hiệu bệnh, dùng theo nguyên tắc từ cao đến thấp, ngày đầu (có thể tăng liều gấp 1,5 – 2 lần), những ngày tiếp đó thì sử dụng đúng như liều chỉ định.

– Dùng đủ liệu trình, không tùy tiện đổi thuốc hoặc dừng thuốc nếu chưa sử dụng hết liệu trình (thông thường 5 – 7 ngày). Khi thấy không còn dấu hiệu của bệnh thì vẫn dùng thêm tối thiểu 1 ngày kháng sinh nữa để đảm bảo vật nuôi khỏi hoàn toàn, không tái phát bệnh cũng như tránh vi khuẩn nhờn thuốc.

– Sử dụng đúng loại kháng sinh để điều trị, nếu sử dụng đúng kháng sinh cho từng loại bệnh thì hiệu quả điều trị rất cao, ví dụ: giả sử vật nuôi có dấu hiệu chủ yếu về đường hô hấp thì nên chọn các loại kháng sinh có chứa thành phần như Tylosin, Lincomycin, Florfenicol, Doxycycline… Nếu vật nuôi có vấn đề về đường tiêu hóa thì chọn những loại kháng sinh mang thành phần như Enrofloxacin, Norcoli, Ampicillin, Colistin,…

– Nên sử dụng kháng sinh phối hợp cùng thuốc trợ lực (B.complex, vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa…), tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng cho vật nuôi.

– Dừng sử dụng thuốc trước khi giết mổ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh xảy ra tình trạng tồn dư kháng sinh trong những sản phẩm chăn nuôi.

Một số lưu ý, tránh khi sử dụng kháng sinh cho vật nuôi

– Không nên tự kết hợp nhiều loại kháng sinh với nhau khi chưa có sự hướng dẫn từ bác sĩ thú y. Việc phối hợp nhiều loại thuốc với nhau không mang lại hiệu quả vì giữa những loại kháng sinh khác nhau có thể gây tác dụng cản trở, từ đó làm giảm khả năng điều trị, thậm chí có thể phản tác dụng, làm tác động nghiêm trọng đến tình trạng con vật.

Phối hợp sử dụng kháng sinh thường chỉ được thực hiện cho các mục đích: tăng khả năng diệt khuẩn, giảm khả năng xuất hiện chủng đề kháng hoặc khi điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn cùng một lúc. Việc phối hợp kháng sinh bắt buộc phải có sự giám sát của các chuyên gia (bác sỹ thú y) và chỉ được phép dùng đến khi liệu pháp sử dụng một kháng sinh là không khả thi để cho kết quả điều trị tốt

– Chỉ sử dụng thuốc được phép lưu hành tại Việt Nam, không sử dụng những dạng thuốc cấm, hóc môn trong chăn nuôi.

– Không sử dụng thuốc kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi theo cách đại trà, tùy tiện; không sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc phòng ngừa bệnh ở những động vật khỏe mạnh.

Hạn chế việc sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi

– Thực hiện an toàn sinh học nghiêm ngặt, dựa trên nguyên tắc cách ly – làm sạch – khử trùng: ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài, ngăn chặn sự phát tán mầm bệnh giữa các vật nuôi, các đàn trong trang trại; vệ sinh, tiêu độc khử trùng dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển.

– Sử dụng vắc xin hợp lý, đúng nguyên tắc.

– Tăng cường sức khỏe cho vật nuôi bằng cách sử dụng hợp lý thức ăn bổ sung lợi khuẩn để làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong hệ thống tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại..; bổ sung axít hữu cơ: propionic, formic, lactic, butyric làm giảm độ PH trong ruột, khiến môi trường không phù hợp với vi khuẩn có hại và do đó làm tăng sự phát triển của những loài có lợi khác.

Ngoài ra, sử dụng thảo dược để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng tự nhiên; nhiều loại thảo dược còn kích thích tiêu hóa như tỏi và gừng, tăng chất lượng sản phẩm như tinh dầu hồi và quế tạo mùi thơm; một số cây thuốc nam có chứa thành phần phytoncid có khả năng ức chế tốt sự phát triển của vi khuẩn.

Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi là trách nhiệm của người chăn nuôi và cả cộng đồng, chúng ta hãy cùng nhau đảm bảo thuốc kháng sinh được sử dụng cho vật nuôi thận trọng và có trách nhiệm./.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *